Phê duyệt thêm 7 sách giáo khoa lớp 1

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ngày 21/2/2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định 512/QĐ-BGDĐT phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, có 7 sách giáo khoa được phê duyệt lần này, nâng tổng số sách giáo khoa lớp 1 chương trình GDPT mới lên 45 cuốn của 9 môn học và hoạt động giáo dục.

7 sách giáo khoa được phê duyệt ngày 21/2 gồm: 01 cuốn môn Tự nhiên xã hội (1 cuốn), 3 cuốn môn Giáo dục thể chất, 2 cuốn môn Hoạt động trải nghiệm, 1 cuốn môn Tiếng Anh (chi tiết trong file quyết định đính kèm).

Năm 2019, Bộ GDĐT tổ chức 2 lần thẩm định sách giáo khoa lớp 1, lần 1 vào tháng 5 và lần 2 vào tháng 10. Ở lần thẩm định thứ nhất, có 38/49 bản mẫu sách giáo khoa được được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Trong 11 bản mẫu được đánh giá “không đạt” ở lần thẩm định 1, có 7 bản được tác giả chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của Hội đồng thẩm định và nhà xuất bản gửi về Bộ GDĐT đề nghị thẩm định lần 2. 01 bản mẫu sách giáo khoa chưa kịp gửi thẩm định lần 1 cũng được nhà xuất bản tiếp tục gửi hồ sơ đề nghị thẩm định.

Như vậy, ở lần thẩm định tháng 10/2019, Bộ GDĐT tiếp nhận 8 bản mẫu sách giáo khoa của 04 môn học/hoạt động giáo dục (môn Tự nhiên-Xã hội 01 bản mẫu; môn Giáo dục Thể chất 03 bản mẫu; Hoạt động trải nghiệm 03 bản mẫu; môn Tiếng Anh 01 bản mẫu) từ 02 nhà xuất bản là Giáo dục Việt Nam và nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM.

Theo quy định trong Thông tư 33, việc thẩm định lần 2 được tiến hành với quy trình như lần 1. Cụ thể, Bộ GDĐT đã thành lập hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa nhà giáo; cán bộ quản lý giáo dục; nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục; đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan và có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.

Mỗi thành viên Hội đồng nhận bản mẫu sách giáo khoa từ ban tổ chức và nghiên cứu độc lập trong 15 ngày. Hội đồng sau đó làm việc tập trung để nghe tác giả báo cáo và các thành viên thảo luận công khai về bản mẫu sách giáo khoa, đánh giá các bản mẫu theo tiêu chí, tiêu chuẩn và các minh chứng cần đạt của từng bản mẫu sách giáo khoa đã được Bộ GDĐT quy định. Kết quả đánh giá của Hội đồng được công bố trực tiếp cho tác giả để tác giả biết nội dung chi tiết và thảo luận, tiếp thu, chỉnh sửa.

Nguyên tắc làm việc của Hội đồng là tập trung, dân chủ, khách quan, trung thực, minh bạch và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Hội đồng đánh giá và xếp loại bản mẫu sách giáo khoa theo nội dung từng khoản, điều được quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT.

Sau 2 vòng thẩm định (từ tháng 10/2019 đến tháng 02/2020), Hội đồng thẩm định đã đánh giá “Đạt” đối với 07/08 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở 04 môn học/hoạt động giáo dục và đề nghị Bộ trưởng xem xét phê duyệt. Các bản mẫu sách giáo khoa này được tác giả xây dựng công phu, cẩn thận, tâm huyết trên cơ sở cụ thể hóa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với trọng tâm là chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực. Nhiều bản mẫu sách giáo khoa có quan điểm biên soạn, cấu trúc sách mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh tiểu học Việt Nam; bảo đảm tính “mở”, linh hoạt, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo.

45 cuốn sách giáo khoa của 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 được phê duyệt cho phép sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới, là thành công bước đầu của việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Bộ GDĐT đề nghị các NXB có hình thức phù hợp cung cấp sách giáo khoa đến các địa phương kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên, cha mẹ học sinh tiếp cận thông tin để thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.

Ngày 24/2, Bộ GDĐT tiếp tục ban hành thông báo thẩm định sách giáo khoa lớp 1 với thời gian tiếp nhận hồ sơ là từ ngày 25/2 đến 10/3.

Download [890.15 KB]

Trung tâm Truyền thông Giáo dục